Họp HĐND Thừa Thiên – Huế: Cử tri bức xúc đất đai, môi trường

TTO – Sáng nay 16-7, kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế khóa VI khai mạc. Nhiều ý kiến của cử tri gửi về kỳ họp, trong đó nổi cộm là việc tỉnh thất hứa viec65 trả lại đất cho dân, vấn đề ô nhiễm môi trường và chậm xử lý dự án treo…

5-53c5d5536ee68_medium
Hơn 10 năm qua, người dân thôn Hòa Bình, xã Bình Thành (TX Hương Trà) vẫn còn chờ chính quyền trả lại đất rừng để sản xuất – Ảnh: Nguyên Linh

Cử tri thị xã Hương Trà và huyện Phú Lộc phản ánh hơn 800 hộ dân phải di dời để thực hiện dự án hồ chứa nước Tả Trạch vẫn chưa thể ổn định cuộc sống, họ vẫn mỏi mòn chờ đợi chính quyền cấp đất để sản xuất như thỏa thuận.

Nợ đất của dân 10 năm vẫn chưa trả

Theo thỏa thuận của ban quản lý dự án, tại nơi ở mới, người dân sẽ được cấp tối thiểu 1 ha đất để ở và làm vườn, riêng đất rừng được áp dụng hình thức “đất đổi đất”. Thế nhưng, đã hơn 10 năm trôi qua, người dân đã giao 1.000 ha đất thực hiện dự án mà vẫn chưa thấy tỉnh đổi lại đất mới để sản xuất. Cử tri đề nghị UBND tỉnh phải giải quyết dứt điểm vấn đề “đất đổi đất”, trả nợ đất đã thu hồi cho người dân ở xã Bình Thành, bản Phúc Lộc (xã Xuân Lộc) và Bến Ván (xã Lộc Bổn).

Riêng, cử tri huyện A Lưới kiến nghị tỉnh phải giải quyết dứt điểm công tác đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân bị thu hồi đất để thi công dự án nhà máy thủy điện A Lưới. Cử tri yêu cầu nếu trường hợp không có quỹ đất để trả lại người dân thì phải hỗ trợ bằng tiền. Cử tri huyện Phong Điền tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương bồi thường thiệt hại cho người dân ở xã Phong Sơn có diện tích đất và cây trồng bị ngập trong lòng hồ thủy điện Hương Điền.

Một 1m2 đất chưa bằng một tô bún

Cử tri TP Huế kiến nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh giá đền bù đất trồng lúa, giá quá thấp và áp dụng rất tùy tiện. Theo ý kiến cử tri phường Thủy Xuân, trên cùng một thửa đất, những năm trước áp giá đền bù 41.000đ/m2, nhưng năm 2014 chỉ áp giá đền bù 19.000 đ/m2, giá trị một 1m2 đất chưa bằng một tô bún.

Cử tri TP Huế cũng phản ánh tình trạng hồ Tịnh Tâm – một cảnh quan nổi tiếng của kinh thành Huế – đang xuống cấp nặng nề, gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan đô thị, đề nghị tỉnh bố trí kinh phí để chỉnh trang, nạo vét. Đồng thời đề nghị tỉnh có các giải pháp xử lý đối với các dự án treo ở vị trí “đất vàng” tại đường Lý Thường Kiệt, Nguyễn Tri Phương; đề nghị tỉnh chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án cầu Đông Ba vì triển khai quá chậm trễ.

Cử tri phường An Hòa cho rằng việc áp giá đền bù khi thực hiện dự án chỉnh trang cửa ngõ phía Bắc ở đường Lý Thái Tổ chưa hợp lý. Người dân nộp thuế nhà đất theo giá đường loại 4C, nhưng khi thu hồi đất lại áp giá đền bù tính theo đường loại 5C, gây thiệt thòi cho người dân.

Cử tri một số huyện tiếp tục kiến nghị tỉnh giải quyết dứt điểm đối với các dự án “treo”. Ngoài ra, nhiều cử tri ở một số xã kiến nghị tỉnh khẩn trương giải quyết ô nhiễm.

NGUYÊN LINH/tuoitre.vn

Đổi mới nông lâm trường quốc doanh: Kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư

Ông Đinh Văn Khiết,  Phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk trao đổi với báo giới về Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Thưa ông, để triển khai Nghị quyết 30, việc trước mắt mà Đăk Lăk sẽ triển khai là gì?

Hiện Đăk Lăk đã xây dựng đề án thực hiện Nghị quyết 30, đang trình lên Thường vụ Tỉnh ủy. Tỉnh Đăk Lăk có 9 công ty lâm trường và 15 công ty lâm nghiệp. Đối với các nông trường có 2 dạng: công ty cà phê và công ty cao su. Chúng tôi đang xây dựng các phương án sản xuất theo chỉ đạo chung của chính phủ; riêng các công ty lâm nghiệp hiện đang có một số tồn tại lớn.

4-53c5d5536ee68_medium
Đăk Lăk đề nghị chuyển đổi diện tích rừng nghèo kiệt sang phát triển kinh tế nông nghiệp-Ảnh: Hà Sơn

Thứ nhất, rừng đang bị tranh chấp và lấn chiếm, chất lượng rừng giảm sút nghiêm trọng ảnh hưởng rất nhiều đến sinh thái sau này. Để xử lý vấn đề này có 2 nội dung lớn được đặt ra là: đất đai và tổ chức lại sản xuất. Về đất đai, theo chủ trương của Chính phủ, hiện nay cần thiết phải rà soát, sắp xếp tổ chức lại.

Nhưng để làm được việc đó, chúng tôi đề nghị Chính phủ sớm hỗ trợ kinh phí cho địa phương, rà soát, cắm mốc lập bản đồ địa chính giải quyết cho các công ty đó để có cơ sở sắp xếp lại.

Trên cơ sở đó tổ chức lại các loại rừng cần thiết, loại rừng nào để thực hiện theo hoạt động công ích và loại nào có thể kêu gọi các thành phần kinh tế liên doanh liên kết trồng lại rừng, hoặc trồng các loại cây công nghiệp dài ngày khác.

Hiện mức độ tranh chấp đất rừng ở Đăk Lăk đang diễn ra như thế nào?

Tranh chấp đất rừng hiện nay rất nghiêm trọng. Tranh chấp giữa người dân mới đến với công ty, người dân sở tại với công ty, giữa một số đồng bào dân tộc thiểu số đang thiếu đất sản xuất với công ty và sự tranh chấp này không phải như trước đây là người ta vào rừng khai thác gỗ, mua bán vận chuyển gỗ trái phép mà người dân tự ý phá rừng, chiếm đất và giữ đất.

Sau này, nếu có dự án nào vào hoặc cần thiết phục hồi lại rừng thì họ yêu cầu đền bù. Đây là một vấn đề rất bất cập, nếu như thực hiện theo hướng này sẽ tiếp tục khuyến khích cho dân phá rừng. Do đó, chúng tôi đề nghị có quan điểm chính thức đối với trường hợp người dân đã chiếm, sở hữu tài nguyên của quốc gia phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Về khai thác, sử dụng đất hiệu quả, Đăk Lăk có tính đến phương án dùng đất của những nông lâm trường làm ăn kém hiệu quả dành cho những dự án của các DN này không?

Đối với Đăk Lăk, chúng tôi đang xây dựng phương án tái cấu trúc nông nghiệp theo hướng xanh, nâu và trắng. Xanh là về cây trồng, nâu là chúng tôi muốn biến sản phẩm cà phê của Đăk Lăk thành sản phẩm công nghiệp, qua rang xay, chế biến xuất khẩu chứ không sản xuất thô như hiện nay. Còn trắng chủ yếu là cao su.

Ngoài ra, chúng tôi đang kêu gọi 4 dự án đầu tư về bò sữa khoảng 1,5 tỷ USD của 4 tập đoàn… Chúng tôi đang xây dựng theo hướng như thế, đặc biệt là phát triển nuôi bò sữa. Hiện nay, các nhà đầu tư  cần quỹ đất phát triển đàn bò, do đó chúng tôi đang tiếp tục rà soát lại.

Đăk Lăk  đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cho chuyển đổi một số diện tích rừng nghèo kiệt, rừng đã bị phá có thể không trồng lại được để chuyển sang phát triển bò sữa.

Xoay quanh Nghị quyết 30, ông có kiến nghị gì không?

Thứ nhất, Trung ương nên sớm cụ thể hóa hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị một cách đồng bộ. Nếu như chúng ta có chủ trương mà kéo dài sẽ gây ra hệ lụy sau này. Thứ hai, để tiếp tục rà soát cần sớm có quyết định về mức hỗ trợ kinh phí về rà soát, đo đạc, cắm mốc, trên cơ sở đó mới tổ chức lại, chuyển đổi lại được.

Thứ ba, xử lý cho được một số tồn tại như về đất đai, nợ của các DN hiện nay, đặc biệt là nợ có 2 hình thức: DN nợ ngân hàng không có nguồn để trả, người dân nhận khoán không nộp sản phẩm cho DN nên không có nguồn thu nhập. Nhiều DN hiện nay không có nguồn để trả lương cho người lao động cũng như bộ máy quản lý. Một số giám đốc đã xin nghỉ việc.

Xin cảm ơn ông!

Hà Sơn/thoibaonganhang.vn