ĐẮK LẮK – HỘI THẢO GÓP Ý DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT LÂM NGHIỆP

Với mục đích lấy ý kiến khuyến nghị cho  Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, ngày hôm nay 08/06/2018 tại thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đăk Lăk, các tổ chức PanNature phối hợp Tropenbos Việt Nam, FORLAND, CIRD và Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Đúng như kỳ vọng ban đầu của ban tổ chức, tuy thời gian diễn ra Hội thảo chỉ gói gọn trong một ngày làm việc nhưng trên tinh thần tập trung cao và không khí chia sẻ cởi mở các đại biểu đã có nhiều ý kiến sát thực, mang tính xây dựng: gần 70 đại biểu tham gia thì có hơn 68 ý kiến trong đó có 46 ý kiến góp ý trực tiếp cho Dự thảo Nghi định và 22 ý kiến thảo luận về công tác quản lý, phát triển rừng ở địa phương.

Ông Lê Văn Lân – Điều phố viên Forland khai mạc Hội thảo

Với sự trao đổi và phản hồi thông tin về Dự thảo Nghị định của tiến sĩ Trương Tất Đơ đại diện Tổng cục Lâm nghiệp – thành viên trong tổ soạn thảo cùng với những báo cáo chuyên đề của các nhà khoa học về vấn đề giao đất giao rừng, tiếp cận quản lý, hưởng lợi từ rừng, bảo vệ phục hồi rừng đã mở ra hướng thảo luận đa chiều cho toàn thể đại biểu.

Ông Trương Tất Đơ triển khai về Dự thảo Nghị quyết

Những ý kiến đến từ đại diện cộng đồng người dân tộc thiểu số có cuộc sống gắn bó trực tiếp với rừng, của doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp đã phản ánh những vấn đề của người dân và doanh  nghiệp đang gặp phải để các nhà nghiên cứu xác nhận chính xác những vấn đề đang thiếu, đang cần bổ sung của dự thảo Nghị định khi đưa ra thực tiễn.

Ông  Nguyễn Trường Bình giám đốc công ty TNHH MKV cho ý kiến về doanh nghiệp lâm nghiệp

Về chuyên môn, hội nghị được nghe các phân tích sâu về dự thảo nghị định, những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung của các chuyên gia luật như giáo sư Võ Huy, tiến sĩ Đoàn Diễm, tiến sĩ Cao Thị Lý, tiến sĩ Bùi Kim Hiếu. Các phân tích này, cùng với các ý kiến của đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước là những bổ sung cho dự thảo Nghị định trên cơ sở góc nhìn của các nhà quản lý.

Giáo sư Bảo Huy tham luận về vấn đề giao rừng gắn liền với giao đất

Sau một ngày làm việc khẩn trương, với quá trình thảo luận và ý kiến của gần 70 đại diện đến từ các cơ quan Nhà nước và người dân 4 tỉnh: Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum cùng các chuyên gia, nhà khoa học thì Ban tổ chức, đại diện Tổng cục Lâm Nghiệp đã tổng hợp lại để tiến hành tham mưu cho Ban Soạn thảo, đóng góp cho Dự thảo lần 3 Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Bế mạc hội thảo 

Tái cơ cấu đất rừng

Để sử dụng hiệu quả và bền vững đất lâm nghiệp trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải thực hiện tái cơ cấu đất rừng, giải quyết những tranh chấp trong quản lý, sử dụng rừng…

Quản lý chưa hiệu quả
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thời gian qua, việc quy hoạch quản lý đất lâm nghiệp còn nhiều bất cập. Đất rừng thường xuyên bị chuyển đổi bởi những mục đích khác nhau như thủy điện, trồng cây công nghiệp, xây dựng khu công nghiệp, nhà máy, thậm chí cả biệt thự…
Ông Phạm Văn Hạnh, Vụ Quản lý sản xuất lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, hiện nay, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai vẫn xảy ra khá phổ biến ở tất cả các vùng, tập trung nhiều nhất là ở các công ty quản lý rừng tự nhiên vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ… Diện tích đất tranh chấp chủ yếu nằm ở diện tích đất rừng phòng hộ và sản xuất. Đơn cử như tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay có hơn 300.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó rừng phòng hộ là hơn 100.000 ha và 144.088 ha đất rừng sản xuất thì có 426,12 ha rừng phòng hộ do các ban quản lý rừng phòng hộ và công ty lâm nghiệp quản lý đang trong tình trạng bị lấn chiếm hoặc trong tình trạng tranh chấp với người dân địa phương.

Hàng chục hécta rừng phòng hộ bị người dân đốt phá làm nương rẫy.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm là do khi quy hoạch thành lập các lâm trường chỉ giao đất “trên giấy”, thiếu đo đạc, xác định ranh giới rõ ràng trên thực địa. Nhiều trường hợp chỉ khoanh vẽ trên bản đồ, bao gồm cả đất của người dân đang canh tác, đất dân để lại do du canh du cư từ trước khi thành lập lâm trường. Việc quản lý đất đai của các công ty lâm nghiệp còn bị buông lỏng, thiếu kiểm tra. Cùng với đó, hoạt động của các lâm trường quốc doanh chưa hiệu quả, có nhiều vi phạm trong pháp luật đất đai như cho thuê, mượn đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng đất đai trái pháp luật. Cả nước có 54 công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng đang vi phạm chính sách đất đai, trong đó có hơn 18.000 ha đất trong diện tích có tranh chấp; 76 đơn vị xảy ra tình trạng lấn chiếm với hơn 59.000 ha; 34 đơn vị cho mượn, chuyển nhượng đất với hơn 5.000 ha…

Ở nhiều nơi người dân còn thiếu đất canh tác sản xuất trong khi những diện tích giao lại cho địa phương để người dân sản xuất không đảm bảo cho canh tác. Ông Ngô Văn Hồng, Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển dẫn ra câu chuyện tại Xuân Trạch (Quảng Bình), đây là xã miền núi đặc biệt khó khăn với trên 95% số hộ sản xuất nông nghiệp. Lợi thế duy nhất của địa phương là diện tích đất rừng chiếm trên 80%. Tuy nhiên chỉ có 362/1.398 hộ có đất lâm nghiệp (bình quân 3.77 ha/hộ), diện tích được giao cho UBND xã quản lý để giao cho người dân lại không phù hợp để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất lâm nghiệp. Trong số 1.014,8 ha được giao, có trên 500 ha đất lâm nghiệp có độ dốc lớn, xa khu dân cư, đầu nguồn nước… chỉ có thể khoanh nuôi phục hồi tái sinh chứ không thể trồng rừng sản xuất. Do thiếu đất sản xuất nên những diện tích còn lại đang trong giai đoạn xây dựng phương án giao đất thì xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm.
Chuyển đổi rừng nghèo
Hiện nay, tổng diện tích rừng của nước ta là hơn 13 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên còn hơn 10 triệu ha. Theo Đề án Cơ cấu lại ngành lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2020, diện tích đất lâm nghiệp của cả nước sẽ đạt khoảng 16,2 – 16,5 triệu ha trong đó đất rừng sản xuất chiếm hơn 8 ha, rừng phòng hộ gần 6 triệu ha và rừng đặc dụng chiếm khoảng 2,3 triệu ha. Tăng giá trị sản xuất bình quân 4 – 4,5%/năm; đáp ứng nhu cầu gỗ, lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế và bảo vệ môi trường sinh thái.
Ông Phạm Văn Hạnh, Vụ Quản lý sản xuất lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng kế hoạch rà soát chuyển đổi rừng phòng hộ ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất nhằm tái cơ cấu ngành, đem lại hiệu quả cao, sử dụng tổng hợp các nguồn lợi từ rừng bền vững. Theo đó, chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt là những rừng gỗ lá rộng rụng lá nghèo kiệt, rừng lá kim nghèo kiệt… Khu vực chuyển đổi diện tích liền kề với rừng sản xuất, nơi thuận lợi để tổ chức sản xuất. Đối với diện tích nằm trọn trong khu vực phòng hộ đầu nguồn thì quy mô đất, rừng phòng hộ chuyển đổi có diện tích tối thiểu 50 ha và không nằm trong diện tích liền kề các sông lớn, hồ, đập thủy lợi, thủy điện và đường giao thông quan trọng.
“Việc chuyển đổi phải không ảnh hưởng môi trường; đất chuyển đổi phải phục vụ sản xuất cho người dân, giúp họ đầu tư thâm canh, tăng năng suất, có nguồn thu nhập và quay trở lại bảo vệ rừng”, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết.
Tuy nhiên, theo ý kiến một số chuyên gia, việc chuyển đổi cần phải xem xét kỹ trong quy hoạch và mối tương quan tổng thể. Bởi hiện nay nền nông nghiệp miền núi đang bị phá vỡ do rừng tự nhiên bị cạn kiệt, chuyển đổi dẫn đến thiếu nguồn nước. Việc này sẽ dẫn đến những hệ lụy về an sinh xã hội, không có sinh kế thì người dân sẽ chuyển sang phá rừng.
Cùng với đó, các chuyên gia khuyến nghị, cần rà soát kỹ nguồn tài nguyên đất, nhu cầu đất của người dân. Thực hiện kê khai, kiểm kê diện tích lấn chiếm, giải quyết các tranh chấp, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp hiện nay tại các công ty lâm nghiệp; Thể chế hóa trách nhiệm của các Ban quản lý rừng phòng hộ cả về trách nhiệm hành chính, kinh tế và hình sự đối với việc rừng bị phá, lấn chiếm và khai thác trái phép.

Đóng cửa rừng tự nhiên – giải pháp khẩn cấp để cứu rừng

VOV.VN – Việc dừng cấp phép xây dựng thủy điện và đóng cửa rừng tự nhiên ở Tây Nguyên đã cho thấy sự quyết liệt bảo vệ rừng, chuyển đổi rừng tự nhiên…

Tại Hội nghị tìm các biện pháp khôi phục rừng Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo đóng tất cả cửa rừng tự nhiên tại Tây Nguyên. Và cũng để bảo vệ môi trường, bảo vệ những cánh rừng quý còn sót lại, UNND tỉnh Gia Lai cũng đã gửi văn bản đề nghị Chính phủ không cấp phép xây dựng thủy điện trong khu bảo tồn Kon Chư Răng.

Việc dừng cấp phép xây dựng thủy điện tại Gia Lai và đóng cửa rừng tự nhiên ở Tây Nguyên đã cho thấy sự quan tâm và quyết liệt bảo vệ rừng trước nguy cấp về tình trạng phá rừng, chuyển đổi rừng tự nhiên những năm gần đây.

dong cua rung tu nhien – giai phap khan cap de cuu rung hinh 0
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Lâm nghiệp tham gia buổi tọa đàm tại Đài TNVN

Trong 5 năm qua, rừng Tây Nguyên đã giảm nhanh cả về chất lượng và diện tích, giảm tới gần 300.000ha. Việc suy giảm diện tích và chất lượng rừng Tây Nguyên trong những năm qua là hết sức nghiêm trọng, nếu không ngăn chặn thì hiệu quả sẽ khôn lường.

Nghe toàn bộ cuộc trao đổi  với GS, TS Nguyễn Ngọc Lung:

Đóng cửa rừng tự nhiên là biện pháp cấp bách để cứu rừng là nội dung trong câu chuyện thời sự của Đài TNVN ngày 24/6 với sự tham dự của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Lâm nghiệp (Bộ NN và PTNT).

PV: Thưa GS, ông có suy nghĩ thế nào khi mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên ở Tây Nguyên?

GS, TSKH Nguyễn Ngọc Lung: Tôi rất vui mừng về chỉ đạo của Thủ tướng. Rừng và nước là 2 yếu tố quan trọng nhất của Tây Nguyên. Thủ tướng đã đi đúng vấn đề vì rừng liên quan đến nước, liên quan đến đất…

PV: Theo ông, liệu đóng cửa rừng tự nhiên có phải là biện pháp bảo vệ rừng lâu dài không?

GS, TSKH Nguyễn Ngọc Lung: Toàn dân hiện đang quan tâm đến việc đóng cửa rừng tự nhiên. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng việc mất rừng không phải chỉ do việc đóng cửa rừng tự nhiên hay không đóng, mà là do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chuyển đổi đất rừng thành đất canh tác khác. Trước kia, người dân phá rừng làm nương rẫy, sau này thì phá rừng để lấy đất trồng điều, trồng cà phê, trồng hồ tiêu, cao su, mắc ca…

Thực tế, việc chuyển đổi đất rừng thành đất canh tác khác khiến mất rừng nhiều hơn so với việc không đóng cửa rừng tự nhiên. Nếu đóng cửa rừng tự nhiên thì sẽ hạn chế được việc khai thác gỗ.

dong cua rung tu nhien – giai phap khan cap de cuu rung hinh 1
Đóng cửa rừng tự nhiên – giải pháp khẩn cấp để cứu rừng. (Ảnh minh họa: Dân Việt)

PV: Việc chuyển đồi rừng nghèo thành đất trồng cây công nghiệp như cao su hay xây dựng công trình thủy điện. Điều này khiến việc phá rừng, mất đất rừng ngày càng gia tăng. Ông có thể giải thích cụ thể hơn về vấn đề này.

GS, TSKH Nguyễn Ngọc Lung: Rừng tự nhiên có thể là rừng rất giàu nếu như ở đó đất tốt nhưng cũng có thế rất nghèo nếu như đất xấu. Có những khu rừng đá đã lộ đầu, chưa khai thác thì rừng đã xấu rồi.

Như vậy, trước hết, rừng tốt hay xấu là do điều kiện địa lý và thời tiết, đất đai có tốt hay không. Tiếp theo là do yếu tố con người, nếu khai thác quá khả năng sinh trưởng thì mỗi năm rừng sẽ xấu đi.

Việc đóng cửa rừng tự nhiên sẽ hạn chế được việc khai thác quá mức và để rừng có thời gian sinh trưởng.

Nếu không đóng cửa rừng tự nhiên thì rừng sẽ trở thành rừng nghèo kiệt, sẽ mất đi chất lượng, năng lực phòng hộ, tác động đến yếu tố nước và không khí chứ không mất đi diện tích.

PV: Theo điều tra, vùng lõi rừng Tây Nguyên đã mất đi các loại gỗ quý, chỉ còn men ở xung quanh. Qua thực tế này, ông có thấy tình trạng mất rừng Tây Nguyên là đáng báo động hay không?

GS, TSKH Nguyễn Ngọc Lung: Phải thừa nhận một thực tế là, khi phát triển kinh tế sẽ ảnh hưởng đến môi trường, vì thế các hội thảo quốc tế đã kêu gọi loài người hãy tự cứu mình bằng cách cứu lấy rừng.

PV: Như vậy việc giữ rừng có vai trò vô cùng quan trọng đối với đất nước có phải không, thưa ông?

GS, TSKH Nguyễn Ngọc Lung: Rừng tự nhiên dù nghèo kiệt đến đâu thì vẫn còn giá trị đa dạng sinh học vẫn hơn gấp trăm lần rừng trồng. Ngoài ra, tác dụng bảo vệ môi trường, bảo vệ đất, bảo vệ không khí không nóng lên, làm cho nước được bảo tồn, chuyển nước mưa thành nước ngầm.

Vì thế các chuyên gia quốc tế khuyến cáo rằng thà giữ 1ha rừng tự nhiên còn hơn phát triển 5 – 10 ha rừng trồng. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, nhiều người quan niệm rừng nghèo kiệt nên được phá bỏ để trồng mới để có giá trị kinh tế cao hơn.

PV: Liệu có phải việc mất rừng tự nhiên ở Việt Nam hiện nay là tình trạng “cha chung không ai khóc” bởi mới chỉ 4% giao cho người dân còn 96% giao cho các tổ chức nhưng các tổ chức này không giám sát chặt chẽ?

GS, TSKH Nguyễn Ngọc Lung: Đại đa số diện tích rừng của Việt Nam được giao cho các tổ chức nhưng lại không kỷ luật những tổ chức được giao bảo vệ rừng mà không thực hiện tốt. Sau khi thống nhất đất nước, đã có 3 chương trình về bảo tồn phát triển rừng Tây Nguyên. Về cơ sở khoa học như vậy là rất tốt. Trên thực tế, hai yếu tố cơ bản của Tây Nguyên là đất và nước. Đất bazan ở Tây Nguyên khiến cả thế giới phải thèm khát nhưng lại thiếu nước do lượng mưa không đều. Công tác quy hoạch lại không tốt nên việc canh tác cà phê, cao su, hồ tiêu… chưa hiệu quả.

PV: Ông có thể nói về các “lợi ích nhóm” trong việc lợi dùng rừng nghèo kiệt để chuyển đổi mục đích sử dụng, để xây dựng công trình thủy điện?

GS, TSKH Nguyễn Ngọc Lung: Trong hội đồng nhà nước về đánh giá tác động môi trường của các dự án cao su tôi có tham dự và ngăn chặn được khá nhiều. Khi kiếm được nguồn tài trợ thì người ta cố tìm dự án trồng cao su để mang lại lợi ích cho người trồng, trong đó có việc chặt gỗ rừng. Rừng tự nhiên có nhiều tác dụng, ít bị cháy và có tác dụng điều hòa không khí tốt. Vậy nên cả thế giới đều nỗ lực bảo vệ rừng tự nhiên.

PV: Ông có ý kiến thế nào về việc khai thác khoảng sản, khai thác rừng trái phép?

GS, TSKH Nguyễn Ngọc Lung: Việc khai thác trái phép các loại khoáng sản, trong đó có Titan, chứng tỏ có lỗ hổng trong quản lý. Nhưng chưa vội “kết tội” khi chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể.

PV: Ông đánh giá gì về công tác quản lý, bảo vệ rừng, cũng như trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong vấn đề này?

GS, TSKH Nguyễn Ngọc Lung: Người bảo vệ rừng, người chống buôn lậu chính là những người cần cảnh giác nhất vì họ là người được trao quyền và trực tiếp thực hiện.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: theo VOA tại http://vov.vn/xa-hoi/dong-cua-rung-tu-nhien-giai-phap-khan-cap-de-cuu-rung-523822.vov

Đất nông, lâm trường: Miếng bánh hấp dẫn

Chưa lúc nào lại có một làn sóng các Tập đoàn kinh tế ồ ạt đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn như hiện nay.

1.3-du-1203903306

 Sẽ có hàng ngàn ha đất trồng mía, dứa và cao su của các NLT ở Thanh Hóa được chuyển dần sang trồng cỏ cho các dự án nuôi bò sữa sau khi NLT được chuyển đổi thành Cty TNHH 2TV

Sự đổ xô của các tập đoàn, DN đầu tư vào nông nghiệp gần đây đã mang lại nhiều tín hiệu vui. Cùng với đó, việc các “ông lớn” vào cuộc, tỏa ra khắp nơi lùng sục đất đai khiến cho những bí bách về nguồn tư liệu sản xuất này đã nóng lại càng thêm nóng, trong đó quỹ đất nông, lâm trường là “miếng bánh” hấp dẫn nhất được các DN quan tâm, tìm cách thâu tóm. Chưa lúc nào có một làn sóng các Tập đoàn kinh tế ồ ạt đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn như hiện nay. Về tìm hiểu các địa phương từ phía Bắc đến Bắc Trung bộ, đi đâu cũng nghe nói đến chuyện các DN làm việc với địa phương để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, trong đó đặc biệt là việc hợp tác, tiếp nhận quỹ đất nông lâm trường (NLT).

Từ nút thắt đất đai

Có thể nói, tham gia vào sân chơi nông nghiệp, các DN, tập đoàn lớn có đầy lợi thế với việc nguồn vốn đầu tư lớn, trình độ tổ chức quản lý cao, năng lực tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tốt. Tuy nhiên, rào cản hay nói khác hơn là một nút thắt hiện nay đối với các DN là quỹ đất sản xuất.

Tại các hội nghị, diễn đàn về thu hút đầu tư, đối thoại doanh nghiệp, câu hỏi lớn nhất, vướng mắc nhất, tồn tại nhất vẫn là quỹ đất cho sản xuất.

Người ta đề cập đến sự rủi ro, tính ổn định, bền vững, lòng tin của nhà đầu tư trước những rào cản tích tụ đất đai, thậm chí đòi hỏi, thúc ép cần sớm phải đổi mới về thể chế đất đai. Làm ăn lớn thì không thể sản xuất canh tác manh mún, nhưng cơ chế tích tụ chưa được tháo gỡ, không ít DN khi bước vào sân chơi này đã rơi vào thế đi thì dở, ở lại không xong.

Trong đó, đáng kể nhất là các DN tham gia đầu tư ở phía Bắc và Bắc Trung bộ, nơi ruộng đồng chật hẹp, manh mún cùng với tâm lý giữ đất cố hữu, thà bỏ hoang chứ không trả ruộng của người nông dân. Nhiều DN cũng đã tìm tòi, xây dựng liên kết, hợp tác với nhà nông, nhưng đến nay, số thành công không đáng kể.

Rủi ro, đổ vỡ thường xuyên xảy ra, nguyên nhân có từ cả hai phía – nhà nông và DN. Chính vì vậy, nhìn vào quỹ đất, xem ra đất đai NLT là ổn hơn cả.

Quỹ đất NLT từ lâu do khai thác không hiệu quả, quản lý lỏng lẻo ở các địa phương đã là “miếng bánh” hấp dẫn, bị nhòm ngó và tìm cách thôn tính. Ngay trước làn sóng đầu tư nông nghiệp, điểm đến “nông – lâm trường” lại càng nóng bỏng hơn trong giới đầu tư, DN.

Về các địa phương thời gian qua để tìm hiểu về đầu tư nông nghiệp, đi đâu chúng tôi cũng nghe giới lãnh đạo chính quyền các cấp đề cập đến việc DN đến đặt vấn đề hợp tác, tiếp nhận đất đai các NLT. Phía Đông Bắc, các DN đổ xô xuống Quảng Ninh, Hải Phòng; phía Tây Bắc, các DN đổ lên Hòa Bình, Sơn La; rồi lùng sục các địa phương cận kề Hà Nội như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc; rồi các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng như Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, xa hơn là vào Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…

Rầm rộ “tấn công” đất NLT

Cuộc đi tìm đất thật chộn rộn, sục sôi. Tại tỉnh Hòa Bình, trong vòng mấy năm qua, hàng loạt DN đã tìm đến quan tâm, tìm hiểu. Mặc dù đang nỗ lực tổ chức, sắp xếp lại các Cty, NLT làm ăn kém hiệu quả, nhưng tiếp xúc với chúng tôi, những người có trách nhiệm ở địa phương cho hay, họ rất thận trọng trước những đề xuất của các DN và chỉ “chọn mặt gửi vàng” khi rà soát, đánh giá năng lực, phương án của các DN một cách cẩn thận. Đến thời điểm này, tỉnh đã rà soát, đánh giá, lập đề án trình Bộ NN-PTNT thẩm định và Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương cho việc sắp xếp, đổi mới các Cty nông, lâm nghiệp.

1.3-215-39-45_cong-vn-xin-kho-st-di-bn-de-thue-dt-cu-mot-tcty-gui-ubnd-huyen-ky-nh-h-tinh

Văn bản xin khảo sát địa điểm để thuê đất của một TCty gửi UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh)

Theo đề án này, tỉnh Hòa Bình hiện có 5 Cty TNHH MTV nông nghiệp do UBND tỉnh quản lý gồm: Cty TNHH MTV Sông Bôi, Cao Phong, 2/9, Thanh Hà, Cửu Long. Các Cty đang được giao quản lý, sử dụng là 3.464,79ha đất. Về phương án sắp xếp các Cty TNHH MTV Thanh Hà, Sông Bôi, 2/9 sẽ hợp tác với một tập đoàn để thành lập Cty 2 thành viên. Còn Cty TNHH Cao Phong sẽ cùng với Cty CP xây dựng Sông Hồng liên kết thành Cty TNHH cam Cao Phong Incomex. Vĩnh Phúc – một tỉnh năng động và luôn là địa phương hấp dẫn trong mắt DN. Hiện UBND tỉnh này cũng đã “rộng cửa” cho các doanh nghiệp tìm đến đầu tư vào nông nghiệp. Ngoài 3 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng số vốn gần 49 triệu USD, thời gian gần đây, có rất nhiều nhà đầu tư đã và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại đây với số vốn lớn như Vinamilk, Vingroup.

Điều đáng nói, tại địa bàn này, đã có rất nhiều cách thức hợp tác được triển khai ở đây như DN tự thỏa thuận với nông dân thuê diện tích đất của họ trong 5 hoặc 10 năm; cho nông dân góp cổ phần bằng ruộng đất với doanh nghiệp để cùng làm…

Nhưng xem ra, mọi con đường đều gặp trở ngại. Con đường sáng của DN ở thời điểm này, xem ra vẫn lại là sử dụng quỹ đất sẵn có của các NLT.

Tại Thanh Hóa, địa phương có diện tích rộng, quỹ đất NLT lớn, đã được rất nhiều “ông lớn” như FLC; Vingroup; TH true milk; Hòa Phát, Vinamilk… quan tâm tìm đến. Được biết hiện Cty CP Tập đoàn FLC, Cty TNHH đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco thuộc Tập đoàn Vingroup – Cty CP, Cty CP ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa TH… đã có tờ trình xin tỉnh Thanh Hóa thuê 3.030ha đất tại các Cty TNHH MTV Sông Âm, Lam Sơn, Yên Mỹ để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Mỗi Cty có ngành nghề kinh doanh riêng, lợi thế riêng. Nhưng có một điểm chung là các dự án đưa ra đều rất lớn. Cụ thể: Sau khi sắp xếp, Cty TNHH 2TV ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ (Tập đoàn TH true milk hợp tác với Cty TNHH MTV Yên Mỹ) sẽ đầu tư dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp trên diện tích 2.930ha với 20.000 con bò. Trong đó bò cho sữa thường xuyên 10.000 con với chế độ chăm sóc, quản lý đàn bò theo công nghệ của Israel, mỗi năm sẽ cung cấp một lượng sữa cho chế biến 110.000 tấn sữa/năm.

Cty TNHH 2TV FLC – Lam Sơn sẽ đầu tư dự án trang trại chăn nuôi bò sữa, bò thịt tập trung công nghệ cao với quy mô 1.148ha đất để chăn nuôi 6.000 con bò thịt và 10.000 con bò sữa, bê con. Cty TNHH 2TV đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEnco – Sông Âm sẽ thực hiện dự án nông nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm trọng điểm là rau – củ – hoa giá trị cao, nấm, cây ăn quả gắn với công nghệ chế biến thích hợp.

Tại Nghệ An, Hà Tĩnh, quỹ đất NLT, đất sản xuất của người dân cũng đang được quy hoạch, “sắp xếp” lại để tập trung nguồn lực tài nguyên cho các dự án “khủng”. Cả vùng đất đai màu mỡ Phủ Quỳ ở Nghệ An, đâu đâu cũng có bóng dáng DN.

Hay như ở Hà Tĩnh, chỉ dự án chăn nuôi bò của Cty CP chăn nuôi Bình Hà (Liên doanh Cty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Cty CP An Phú) đã tốn đến 6.119ha đất (tại hai huyện Kỳ Anh 1.645ha, Cẩm Xuyên 4.473ha). Được biết dự án có quy mô 150.000 con bò/năm; nguồn vốn đầu tư 4.223 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 và 2 sẽ thực hiện trong năm 2015 với quy mô 60.000 con. Dự kiến, đến tháng 6/2016, dự án có tổng quy mô 100.000 con, chủ yếu được nhập từ Úc, New Zealand, Mỹ, Canada…

Có thể nói, việc các DN lớn đổ xô vào lĩnh vực nông nghiệp, khu vực này đã trở nên sôi động với những tín hiệu vui hơn rất nhiều. Nhưng cùng với đó, hàng loạt vấn đề cũng đang đặt ra đối với các địa phương hậu “sắp xếp, chuyển đổi” đất đai, mà đặc biệt nổi lên là vấn đề công ăn việc làm, an sinh xã hội của gia đình công nhân, nông dân vùng sắp xếp, chuyển đổi.

Để yên tâm đầu tư sản xuất, các DN đã và đang nỗ lực tìm kiếm, khoanh vùng cho mình nguồn tư liệu đất đai đủ lớn. Ở một số địa phương thông thoáng, cởi mở, điều kiện đất đai dễ tổ chức, sắp xếp; bằng năng lực và tùy thuộc khả năng “quan hệ”, các DN có thể sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm một mặt bằng đầu tư sản xuất.

Tìm hiểu, nắm bắt thông tin một số đề án sắp xếp, chuyển đổi, đã có không ít ý kiến trong dư luận bức xúc khi ở chỗ này chỗ kia, DN chỉ bỏ ra mấy tỉ, nhiều hơn là vai ba chục tỷ đã “lấy” được một nông, lâm trường, mà trước đó bao thế hệ đã dầy công kiến tạo, gây dựng, bảo vệ, vun đắp.

Nhưng cũng có những trường hợp, các DN đổ mồ hôi, sôi nước mắt, trầy vi tróc vảy mà chẳng xong. Thậm chí, có DN còn bỏ ra cả trăm tỷ đồng vào một địa phương để giúp quy hoạch lại sản xuất, với tham vọng tạo ra vùng hàng xuất – chế biến hàng hóa lớn, tập trung nhưng rốt cuộc bị đổ bể, công cốc.

Văn Hùng/nongnghiep.vn

Chi trả dịch vụ môi trường rừng – “Trông người mà ngẫm đến ta”!

Sau gần 5 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường (DVMT) rừng theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng trở thành điển hình trong cả nước. Nếu so sánh trong mối tương quan thì Hà Tĩnh thuộc hàng… “em út”. Ngoại trừ những yếu tố khách quan thì vẫn còn nhiều tác động chủ quan khiến công tác thu DVMT rừng ở Hà Tĩnh chưa đạt kết quả như mong muốn.
1.2-106dtl85328
Khu du lịch Cửa Thờ – Trại Tiểu (Mỹ Lộc – Can Lộc), một trong những đối tượng phải chi trả dịch vụ môi trường rừng

Không thể phủ nhận tỉnh Lâm Đồng có những lợi thế đặc biệt. Địa phương này hiện có khoảng 532.000 ha rừng, trong đó, khu vực rừng nằm trong các lưu vực được chi trả là 514.800 ha. Năm 2011, Lâm Đồng có 272.000 ha nhận tiền DVMT rừng. Năm 2014 là 328.000 ha và năm 2015 là 363.850 ha, chiếm 70% diện tích rừng toàn tỉnh.

Hàng năm, ở Lâm Đồng có trên 16.000 hộ dân được nhận khoán bảo vệ rừng. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 50 đơn vị sử dụng DVMT rừng, ký kết hợp đồng ủy thác chi trả với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, có 30 đơn vị sản xuất thủy điện, 9 đơn vị sản xuất nước sạch và 12 đơn vị kinh doanh du lịch.

Số tiền thu từ DVMT rừng hàng năm cũng tăng dần. Cụ thể là năm 2011: 58,4 tỷ đồng; năm 2012 là 105,5 tỷ đồng; năm 2013 là 127,1 tỷ đồng và năm 2014 xấp xỉ 170 tỷ đồng. Nguồn thu từ DVMT rừng tăng nên định mức khoán trực tiếp cho các hộ bảo vệ rừng theo đó cũng được nâng lên nhiều so với những năm trước đây và “chốt” ở mức 450.000 đồng/ha năm 2014.

Qua 4 năm thực hiện Nghị định 99, tổng kinh phí đã chi trả cho công tác bảo vệ rừng ở Lâm Đồng khoảng 440 tỷ đồng (400 tỷ đồng khoán bảo vệ rừng và 40 tỷ đồng chi phí quản lý của chủ rừng).

Đề cập đến vấn đề này tại Hà Tĩnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Nguyễn Công Tố ngậm ngùi nói rằng, nguồn thu từ DVMT rất… “bèo bọt”. Đã vậy, có tiền rồi cũng không thể… chi được.

Từ năm 2011-2013, Hà Tĩnh bắt đầu truy thu số tiền hơn 6,6 tỷ đồng DVMT rừng ở 5 đơn vị gồm: Công ty Thủy điện Hương Sơn, Công ty Đầu tư & Phát triển Miền Bắc 1 – đơn vị chủ quản của Nhà máy Thủy điện Hố Hô, Công ty TNHH MTV Cấp nước & Xây dựng Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh – đơn vị chủ quản của Khu du lịch Cửa Thờ – Trại Tiểu (Mỹ Lộc – Can Lộc) và Công ty CP Thủy điện Kẻ Gỗ. Tuy nhiên, cho đến nay, số tiền này không thể giải ngân được.

Theo lý giải của Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ & Phát triển rừng Trần Chí Thanh thì: “Đến năm 2013, quỹ mới thành lập nên quá niên độ tài chính. Hay nói cách khác là ở thời điểm đó, các chủ rừng đã được cấp kinh phí hoạt động nên không thể chuyển tiền”. Toàn bộ số tiền này hiện đang chờ quyết định từ Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2014, thu từ DVMT rừng ở 5 đơn vị trên lẽ ra phải đạt gần 2,5 tỷ đồng, tuy nhiên, chỉ có 4 đơn vị nộp đủ; còn lại 132.805.000 đồng (có cả tiền truy thu từ những năm trước), Công ty CP Thủy điện Kẻ Gỗ không chịu trả. Mặc dù Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều lần phát văn bản yêu cầu thanh toán ngay nhưng công ty vẫn phớt lờ.

Khách quan mà xét thì số tiền thu DVMT rừng phụ thuộc nhiều vào công suất nhà máy thủy điện; các cơ sở cấp nước và du lịch chỉ đáp ứng phần nào nguồn thu từ DVMT rừng. Trong khi đó, công suất các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh quá nhỏ. Theo quy định của Nghị định 99 thì mỗi kW điện thương phẩm, nhà máy thủy điện phải đóng 20 đồng phí DVMT rừng và các nhà máy sản xuất nước phải trả 40 đồng/m3 nước thương phẩm. Tuy nhiên, 2 nhà máy thủy điện: Hố Hô và Hương Sơn có công suất chỉ bằng 2/10 so với Nhà máy Thủy điện Đa Nhim – Lâm Đồng (công suất 160 MW và hàng năm phải trả 50 tỷ đồng cho DVMT rừng) nên nguồn thu ít là đương nhiên.

Đã vậy, mức giá DVMT rừng theo Nghị định 99 vẫn… “giẫm chân tại chỗ” trong khi giá nước, điện 4 năm qua đã được điều chỉnh nhiều lần nên không còn phù hợp. Đặc biệt, số tiền người dân được nhận từ DVMT rừng cho công tác nhận khoán bảo vệ rừng lại quá ít. Toàn tỉnh hiện chỉ có 272 hộ dân thuộc 3 xã huyện Hương Khê là Hương Lâm, Hương Liên, Hương Vĩnh được nhận tiền DVMT rừng với tổng số tiền xấp xỉ 20 triệu đồng, trung bình mỗi hộ nhận khoảng 70.000 đồng/ha/năm.

Từ đầu năm đến nay, tổng số tiền thu từ DVMT rừng đạt hơn 9,4 tỷ đồng, còn thiếu gần 240 triệu đồng. Đây được coi là tín hiệu vui vì tiền thu được tăng nhanh sẽ tạo điều kiện cho các chủ rừng và người nhận khoán làm tốt hơn công tác bảo vệ rừng. Tuy nhiên, con số này chưa là gì, bởi theo ông Đặng Bá Thức – chuyên gia lâm nghiệp tỉnh nhà thì “Hà Tĩnh trong những năm tới đây phải thu ít nhất từ 50-70 tỷ đồng từ DVMT rừng. Bởi rồi đây, nguồn thu từ công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang và hồ chứa nước Rào Trổ ở Kỳ Anh là khá dồi dào. Tất nhiên, phải được Chính phủ cho phép thu từ sản xuất nước công nghiệp ở hồ Rào Trổ”.

“Hà Tĩnh cần phải khẩn trương hoàn thiện công tác giao đất, giao rừng, từ đó mới có thể tính toán chính xác các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ DVMT rừng để thu đúng, đủ. Thêm nữa, tỉnh phải kiên trì kiến nghị Chính phủ thu thêm tiền DVMT rừng ở hồ Kẻ Gỗ, Sông Rác vì Nhà nước miễn thủy lợi phí thì phải có số tiền lớn để hỗ trợ chủ rừng và người dân trong lưu vực bị ảnh hưởng” – ông Thức nói thêm.

Cùng đó, các ngành chức năng cần rà soát, xem xét kỹ lưỡng vì còn rất nhiều đơn vị hưởng lợi trực tiếp từ rừng nhưng lại đứng “ngoài hàng rào” trả tiền DVMT rừng, đồng thời, phải xử lý dứt điểm tình trạng chây ì nợ tiền DVMT rừng. Có như vậy, “cuộc chiến” bảo vệ rừng mới thực sự có hiệu quả bền vững.

Hoài Nam/baohatinh.vn