Tan nát rừng Kon Plông

(Thanh tra)- Được mệnh danh là “Đà Lạt thứ hai ở Tây Nguyên” với hệ thống rừng nguyên sinh, rừng thông phòng hộ bao phủ, tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến nay, nhiều diện tích rừng tại Khu Du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) đang bị xâm hại nghiêm trọng. Để lấy gỗ và đất sản xuất, lâm tặc và người dân đã tàn phá hàng loạt cánh rừng, với nhiều chủng loại quý.

8-wp_20140616_012
Nhiều vạt rừng ở huyện Kon Plông bị triệt hạ để trồng cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày. Ảnh: Trung Đức

Măng Đen – Kon Plông được du khách gần xa biết đến là một khu nghỉ dưỡng đầy tiềm năng, cần được khám phá. Nhiều năm qua, cả khu du lịch sinh thái quốc gia này được bao phủ bởi ngút ngàn thông xanh và hệ thống rừng nguyên sinh, tạo nên khí hậu mát mẻ, trong lành, làm nên “phần hồn” của xứ sở du lịch vùng Đông Trường Sơn.

Mới đây thôi, quãng năm 2012, theo quốc lộ 24 vượt đèo Măng Đen, du khách sẽ đi xuyên qua khu trồng rau, hoa xứ lạnh, qua những khu rừng già dày kín, đầy thác ghềnh. Giữa những con đường bê tông mới được mở, rừng hai bên đường che kín khiến người đi dưới tán rừng có cảm giác thư thái, hài hòa với thiên nhiên, cây cỏ.

Từ đầu năm 2014 đến nay, khách bộ hành đi từ chân đèo Măng Đen về đến trung tâm các xã của huyện Kon Plông chứng kiến cảnh rừng nguyên sinh bị tàn phá không thương tiếc, dễ thấy sự thay đổi qua từng tháng. Dọc theo tỉnh lộ 626 và quốc lộ 24B, hàng trăm ha rừng cổ thụ đã bị chặt hạ để trồng sắn, cà phê, nương rẫy được mọc lên san sát. Quan sát bằng mắt thường, chúng tôi dễ dàng nhận thấy nhiều cánh rừng vừa mới bị đốn ngã, cây lớn, cây bé nằm ngổn ngang, có những đám bị đốt cháy nham nhở.

Theo vết xe “reo”, loại xe đặc chủng để kéo gỗ trong rừng già tại địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, chúng tôi đi sâu vào những cánh rừng ở xã Măng Cành, chứng kiến một “công xưởng” lớn. Có chỗ, lâm tặc dùng cưa lốc hạ cây xuống rồi để đó; một vài chỗ khác, cây gỗ lớn 2, 3 người ôm bị hạ xuống và “xẻ thịt” ngay tại chỗ. Hiện trường còn vương vãi lại các tấm ván gỗ bìa, bột cưa, các khúc gỗ ngắn, dài khác nhau… Ở các xã Ngọc Tem, Măng Bút, Đắk Tăng… cách xa trung tâm huyện Kon Plông, rừng bị phá nặng hơn. Những khoảnh cây đứng được chừa lại sát tuyến đường để che mặt người đi đường nhưng vào sâu hơn bên trong, hình ảnh rừng ngã rạp còn tươi gốc hết sức đau xót. Một thực tế đang diễn ra: Rừng nguyên sinh ở huyện Kon Plông đã rỗng ruột.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lân, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho hay có biết tình trạng phá rừng làm nương rẫy diễn ra trên địa bàn huyện. Theo ông Lân, rừng ở huyện Kon Plông rất dày, là niềm tự hào để thu hút khách du lịch đến với Khu Du lịch Sinh thái Quốc gia Măng Đen nhưng hiện việc giữ rừng cũng rất cam go. “Tại địa bàn xã Măng Cành, những cánh rừng vừa bị phá, cơ quan chức năng của huyện đã lập biên bản xử phạt. Trong năm nay, huyện sẽ trồng lại 100ha rừng thông ở những địa bàn bị người dân phá rừng để trồng sắn và các loại hoa màu. Riêng tình trạng lâm tặc lén lút khai thác ở những cánh rừng tự nhiên ở xã Măng Cành, lãnh đạo UBND huyện chưa nghe ngành chức năng của huyện báo cáo. Chúng tôi sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp chính quyền cơ sở kiểm tra cụ thể”, ông Nguyễn Văn Lân nói.

Trung Đức
thanhtra.com.vn

 

 

2 thoughts on “Tan nát rừng Kon Plông

  1. Thật đồng cảm với tác giả,hiện trạng rừng konplong.Hiện tại hàng 100 ha rừng nguyên sinh đầu nguồn thác pasy đang bị trang trại dê sửa san ủi trọc,tương lai Măng Đen sẽ đi về đâu ( khí hậu hiện tại đang nóng lên,mất mưa….) hy vọng các ngành chức năng quan tâm hơn về rừng.

  2. Bài báo nói đúng thực trạng tại KPL lắm. Điều mà không cán bộ, người dân nào dám nói ra vì có nói ra cũng không làm được gì. Chỉ còn vỏ bọc bên ngoài còn bên trong rống tuếch. Nếu được đề nghị quý báo đưa vấn đề này ra thảo luận để tất cả mọi người ở VN đều biết. Chúng ta cần tiếng nói của tất cả mọi người để hy vọng thức tỉnh được lương tâm và trách nhiệm của các cơ quan chức năng.

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.