Vẫn “nóng” vấn đề đất đai

Sáng 15-4, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức giao lưu trực tuyến giữa Bộ và các sở với người dân và doanh nghiệp. Nhiều câu hỏi, thắc mắc của người dân đã được các lãnh đạo bộ giải đáp thỏa đáng. Đây là đợt giao lưu trực tuyến thứ 14 do Bộ TN&MT tổ chức thực hiện. Tính đến sáng 15-4, đã có gần 700 câu hỏi gửi hệ thống giao lưu trực tuyến, trong đó 85% số câu hỏi đề cập đến vấn đề đất đai.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh: Giao lưu trực tuyến đã góp phần giải đáp những khó khăn, vướng mắc của nhân dân và doanh nghiệp, đồng thời trở thành kênh thông tin quan trọng, hiệu quả để tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về các lĩnh vực tài nguyên và môi trường tới các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp. Thông qua các câu hỏi trong các đợt giao lưu trực tuyến, Bộ và các Sở đã từng bước nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách, pháp luật của ngành để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở trực tiếp giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc của nhân dân, doanh nghiệp.

dat dai

Toàn cảnh buổi giao lưu

Người dân ở Đồng Nai băn khoăn về việc có thông tin trong sân bay Biên Hòa chuẩn bị đào ao để lấy nước, nuôi cá mà đây là khu vực bị nhiễm chất độc da cam và khu vực phường Trảng Dài có bị nhiễm chất độc da cam hay không? Trả lời câu hỏi này, đại diện lãnh đạo Bộ TN&MT cho biết: Theo một số kết quả nghiên cứu mới đây nhất do Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện với sự tài trợ của Dự án Dioxin (GEF/UNDP tài trợ) có 16 hồ trên 28 hồ trong sân bay Biên Hòa xác định ô nhiễm đi-o-xin. Về nguyên tắc, hiện nay, mọi hoạt động nuôi trồng thủy hải sản trong sân bay hoàn toàn bị nghiêm cấm và cơ quan chức năng đã có khuyến cáo với người dân về việc này. Tuy nhiên, hiện tại đúng là có việc đào ao và lấy nước sử dụng vào mục đích của sân bay và được phép của đơn vị quản lý sân bay. Hồ đang được đào để lấy nước được gọi là Hồ Đá nằm ở phía Bắc sân bay và theo kết quả nghiên cứu mới nhất cho biết thì hồ đó không bị ô nhiễm đi-o-xin (hồ đá nhỏ thuộc địa phận sân bay). Khu vực phường Trảng Dài không bị ô nhiễm đi-o-xin.

Trong năm 2013, dự án đi-ô-xin đã tiến hành xây dựng công trình ngăn chặn lan tỏa tạm thời phát tán đ-ô-xin ra môi trường bên ngoài, như vậy về cơ bản nguồn ô nhiễm đi-ô-xin đã được kiểm soát. Trong thời gian tới, hệ thống quan trắc đi-ô-xin sẽ được đưa vào sử dụng để kiểm tra sự phát tán đi-ô-xin ra môi trường xung quanh do Bộ Quốc phòng thực hiện. Dự án Đi-ô-xin đã xây dựng nhiều tài liệu truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng tránh phơi nhiễm dioxin và biển báo khuyến cáo người dân không ra vào khu vực bị ô nhiễm.

Liên quan đến vấn đề đất đai, anh Nguyễn Đức Cường (37 tuổi, Quảng Bình) đặt câu hỏi: Theo quy định hiện hành thì việc xác định hạn mức đất ở để công nhận quyền sử dụng đất được tính theo hộ gia đình, theo cá nhân, theo thửa đất, hay theo đơn vị hành chính. Vấn đề này quy định ở văn bản cụ thể nào? Nếu tính hạn mức đất ở theo hộ gia đình hoặc theo cá nhân thì căn cứ vào đâu để xác định hộ gia đình, hoặc cá nhân đó có hoặc không có thửa đất ở tại huyện, tỉnh khác? Trường hợp đất ở có được do nhận chuyển nhượng hợp pháp, đất ở do nhận chuyển nhượng không hợp pháp từ người khác thì có tính vào hạn mức đất ở đang có của hộ gia đình, cá nhân không?…

Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo Bộ TN&MT cho biết: Theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành (Điều 87 của Luật đất đai) thì hạn mức công nhận đất ở tại địa phương được xác định theo số lượng nhân khẩu trong hộ gia đình và theo thửa đất ở. Tuy nhiên, quy định về công nhận đất ở đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhiều thửa đất ở và các thửa đất này ở tại các địa bàn hành chính khác nhau vẫn chưa được quy định cụ thể. Do vậy, về câu hỏi này, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ghi nhận để tiếp tục nghiên cứu và quy định cụ thể trong Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai năm 2013.

Trả lời câu hỏi của người dân tỉnh Quảng Bình về trường hợp bị thu hồi đất ở và nhà ở nhưng đang có nhà ở và đất ở tại vị trí khác và không phải di chuyển chỗ ở thì có được bồi thường bằng việc giao đất ở mới không? Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Tại Điều 4 nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Nghị định này mà phải di chuyển chỗ ở thì được bố trí tái định cư. Tại Điều 18 Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT ngày 01 – 10 – 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đã quy định các trường hợp được bố trí tái định: Hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở do bị thu hồi hết đất ở mà không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân không có nhu cầu tái định cư).  Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất mà phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở nằm trong hành lang an toàn khi xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn phải di chuyển chỗ ở mà không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi.  Trường hợp trong hộ gia đình có nhiều thế hệ (nhiều cặp vợ chồng) cùng chung sống đủ điều kiện tách hộ hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất ở bị thu hồi thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương để quy định diện tích đất, diện tích nhà ở để bố trí tái định cư.

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp bị thu hồi đất ở và nhà ở nhưng đang có nhà ở và đất ở tại vị trí khác mà không phải di chuyển chỗ ở thì không được bố trí tái định cư…

Tin, ảnh: MINH MẠNH

Báo Quân đội nhân dân

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.