Hội thảo xác định vấn đề cần tham vấn trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004

Ngày 26/4/2014, tại Huế, Liên minh Đất rừng (FORLAND) đã tổ chức hội thảo xác định các vấn đề liên quan đến hộ gia đình và cộng đồng trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án “Tham vấn cộng đồng về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng” của FORLAND do tổ chức Oxfam Anh tài trợ.

Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng (BV&PTR) 2004 được Nhà nước ban hành vào cuối năm 2004. Sau gần 10 năm thực hiện, Luật đã tạo được hành lang pháp lý thuận lợi cho việc bảo vệ, phát triển rừng, góp phần tăng độ che phủ của rừng, ổn định tình hình kinh tế – xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân vùng trung du và miền núi. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện thì Luật cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định về mặt quản lý nhà nước, quản lý của người dân về rừng và đất rừng, về sự đồng bộ với các luật khác như Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học, Luật Dân sự… Xuất phát từ thực trạng trên thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất là phải có các đánh giá độc lập về 10 năm thực hiện Luật BV&PTR 2004 làm căn cứ cho ngành lâm nghiệp nghiên cứu, xem xét việc sửa đổi, bổ sung Luật trong thời gian tới.

Xuất phát từ thực tế đó, Mạng lưới Đất rừng (FORLAND) đã tổ chức Hội thảo này với các mục tiêu: i) Cung cấp thông tin về thực tế thực hiện Luật BV&PTR 2004; ii) Phát hiện những điểm bất hợp lý giữa Luật và thực tiễn; và những bất cập trong quá trình thực hiện; iii) Xác định những vấn đề cần tham vấn cộng đồng về Luật BV&PTR 2004 liên quan đến hộ gia đình (HGĐ) và cộng đồng (CĐ) để góp phần đánh 10 năm thực hiện Luật này cũng như chuẩn bị cho kế hoạch sửa đổi Luật thời gian tới.

DSC_0101Hội thảo xác định vấn đề tham vấn Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng

(Ảnh: FORLAND)

Tham dự hội thảo có 50 đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức khác nhau, trong đó có 2 đại biểu từ các cơ quan Trung ương, ii) 6 đại biểu là các chuyên gia cao cấp trong ngành lâm nghiệp và Tài nguyên môi trường, iii) 5 đại biểu đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu ở miền Trung và Tây Nguyên, iv) 22 đại biểu của các tổ chức phi chính phủ địa phương và quốc tế, và v) 15 đại đến từ các cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp cấp huyện và tỉnh ở miền Trung,  Tây Nguyên và Tây Bắc.

Hội thảo đã chia sẻ một số báo cáo tham luận và thảo luận chung tai Hội trường để xác định các vấn đề cần được tham vấn cộng đồng trong việc thực hiện Luật BV&PTR 2004. Có 7 nhóm vấn đề cần tham vấn đã được phân tích, chia sẻ từ các đại biểu, bao gồm: i) Phân loại rừng; quy hoạch rừng, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; phát triển, khai thác và hưởng lợi từ rừng; ii) Bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; thống kê, kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; biến đổi khí hậu, REDD+, PES; iii) Giao, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; quyền và nghĩa vụ của chủ rừng; iv) Chế biến, thương mại lâm sản và hội nhập quốc tế; v) Đầu tư, tín dụng, tài chính và định giá rừng; vi) Tổ chức và thể chế ngành lâm nghiệp; vii) và các Luật trong nước liên quan đến Luật BV&PTR 2004.

Liên quan đến HGĐ và CĐ, hội thảo cũng đã xác định 7 vấn đề cần tập trung nghiên cứu, phân tích để có những khuyến nghị cho việc sửa đổi Luật, bao gồm i) Vấn đề về vị trí pháp lý của HGĐ và CĐ trong bảo vệ và phát triển rừng; ii) Vấn đề về quyền, quyền lợi và nghĩa vụ của HGĐ và CĐ trong sử dụng và hưởng lợi từ rừng; iii) Vấn đề về xác định các giá trị của rừng khi giao, cho thuê, khoán… cho HGĐ và CĐ. Các giá trị không chỉ là trữ lượng gỗ, LSNG mà còn là các yếu tố văn hóa, tinh thần… gắn liền với đời sống của HGĐ và CĐ; vi) Vấn đề về qui hoạch đất và rừng; v) Vấn đề về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng; vi) Vấn đề về giám sát, theo dõi việc sử dụng tài nguyên rừng và thực thi chính sách; vii) Vấn đề quản trị tài nguyên rừng và đất rừng (trách nhiệm giải trình, sự tham gia, thẩm quyền giám sát rừng của cá chủ rừng là người dân…).

DSC_0131

Thảo luận nhóm về vấn đề cần tham vấn (Ảnh: FORLAND)

Thông qua hội thảo, 3 nhóm gồm nhóm các cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp, nhóm chuyên gia và các trường đại học; và nhóm các tổ chức xã hội dân sự và phi chính phủ cũng đã thảo luận để xác định cụ thể hơn các vấn đề liên quan đến HGĐ và CĐ trong Luật BV&PTR 2004 cần được tiếp tục nghiên cứu, phân tích. Kết quả thảo luận nhóm cho thấy có các vấn đề liên quan đến HGĐ và CĐ có trong Luật cần được nghiên cứu/tham vấn như sau: i)Hiện trạng thực hiện Luật BV&PTR 2004, ii) Hậu quả của những khó khăn, bất hợp lý trong việc thực hiện Luật BV&PTR 2004 đối với cuộc sống của người dân và cộng đồng ở hiện tại và tương lai, iii) Nguyên nhân gây ra các hậu quả cho người dân và cộng đồng.

Căn cứ vào các vấn đề đã được xác định, FORLAND sẽ lập kế hoạch tham vấn chi tiết và cùng với các tổ chức thành viên thực hiện tốt kế hoạch này. Các kết quả tham vấn sẽ được công bố trong các HT tiếp theo của mạng lưới vào cuối năm 2014.

 FORLAND

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.